Navigation

8 mẹo nhỏ giúp học tốt tiếng Anh [Bí Quyết - Kỹ Năng]

Nghe nhạc, xem phim có phụ đề tiếng Anh, đặt kế hoạch học tập với những mục tiêu nhỏ trong khả năng hoàn thành... là những cách tạo tâm lý tốt cho bạn để cải thiện vốn ngoại ngữ.

Đặt mục tiêu nhỏ
Học tiếng Anh là quá trình dài, có thể kéo dài nhiều năm để tiến bộ từng bước một. Do đó, việc đặt ra các mục tiêu nhỏ, ngắn hạn và trong khả năng thực hiện của bản thân là điều quan trọng, mang lại những tác động tích cực mỗi khi người học hoàn thành chỉ tiêu đề ra, tránh cảm giác chán nản và tâm lý cho rằng mình "học mãi không mang lại kết quả".

Tạo kế hoạch học tập
Cần đảm bảo kế hoạch này đơn giản để thực hiện và làm với những công việc hàng ngày. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng người học nên chia nhỏ quá trình học để thực hiện trong cả một ngày, giúp loại bỏ bớt tâm lý nản chí.

Luyện tập mỗi ngày
Cũng như nhiều ngoại ngữ khác, việc sử dụng và luyện tập tiếng Anh mỗi ngày dù chỉ một chút cũng mang lại hiệu quả. Người dùng có thể nghe những mẩu tin nhỏ bằng tiếng Anh khi lái xe đi làm, đi học hay luyện những từ mình thích khi đang dùng bữa.

Biết mình phù hợp với cách học nào
Từng học viên sẽ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ khác nhau, ví dụ có người học nhanh hơn qua cách nhìn, đọc (sách, tạp chí...), người khác lại dễ thuộc bài nhờ phương pháp nghe (xem phim, các chương trình TV, nghe đài...), thậm chí là khi tương tác trực tiếp hàng ngày (sử dụng những món đồ và nghĩ xem từ tiếng Anh của nó là gì...). Đây sẽ là yếu tố nền tảng để bạn tính toán thời gian dành cho việc học hiệu quả nhất.

Nghe nhạc bằng tiếng Anh
Các nhà khoa học chỉ ra rằng nhịp điệu và cách gieo vần ngôn ngữ (trong bài hát) có khả năng kích thích não bộ của người nghe và cải thiện việc học. Do đó, âm nhạc là một công cụ học vô giá đối với tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, vừa giúp nâng cao khả năng nghe, phát âm, vừa mở rộng vốn từ.

Xem phim cùng phụ đề tiếng Anh
Phim là nguồn học phong phú nhờ những đoạn hội thoại giữa các nhân vật, qua đó người học sẽ nắm được cách nói chuyện hàng ngày cũng như thêm vốn từ. Bên cạnh đó, công cụ học này còn giúp học viên biết thêm ngữ cảnh ngoài ngôn ngữ, ví dụ biểu cảm khuôn mặt hay động tác tay, cơ thể trong khi nói, những yếu tố có thể xem như bắt buộc phải có trong giao tiếp. Thực tế, các bộ phim luôn là những tài liệu học dễ được tiếp nhận nhất vì có tính giải trí cao.

Những tấm thẻ ghi nhớ
Đây là một trong những cách học lâu đời nhất nhưng vẫn được nhiều sinh viên trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả. Người học sẽ viết từ mới lên một mặt của tấm thẻ, mặt còn lại có thể viết nghĩa của từ đó hoặc không. Mỗi khi mở một thẻ, người dùng sẽ đọc và nhớ lại nghĩa của từ (nếu không nhớ có thể giở mặt sau ra để đọc lại). Phương pháp này thực hiện đều mỗi ngày sẽ giúp mở rộng và củng cố vốn từ.

Theo dõi tiến trình học
Người học cần đặt ra và theo dõi sát sao các mục tiêu từng đặt ra để nắm được những điểm ưu và nhược trong quá trình học của mình, liệu có đạt được tiến bộ nào hay chưa. Điều này giúp tổng kết lại những gì đã đạt và chuẩn bị tiền đề cho các mục tiêu tương lai.

Hải Khanh


(Theo vnexpress)
Share
Banner

ketoanthue

Post A Comment:

0 comments: